Ngày đó, ngày tôi khởi nghiệp với trái mít, người ta chỉ quan tâm đến ăn no; còn chuyện ăn để vui, khỏe là điều không tưởng. Người ta từng nói tôi bị điên khi khởi nghiệp.
Ông Viên kể, ông vốn làm cho một công ty về nông trường. Khi gắn bó với nông dân, ông thấy bà con trồng hoa quả rất nhiều. Đến những thập niên 80, thị trường tiêu thụ yếu, bà con đổ trái cây rất nhiều. Họ ăn được một ít, bán một phần và dùng cho chăn nuôi một phần nữa. Còn lại khoảng 50% là đem đi đổ.
“Lúc đó, tôi rất trăn trở. Làm sao để bà con bảo quản được lâu hơn, làm sao để cuộc sống bà con đỡ khó khăn hơn? Nếu cứ tiếp tục như vậy thì những người làm nông nghiệp không thể khá lên được”, ông Viên nhớ lại.
Khi khởi nghiệp, ông Viên chưa làm về trái mít mà làm về các sản phẩm về lâm nghiệp như mây tre. Sau đó, ông nhận thấy để có thể sản xuất được thì phải chọn một sản phẩm ổn định. Sản phẩm ổn định giúp sản xuất không bị đình trệ.
“Tôi chọn trái mít vì mít có quanh năm. Và chúng tôi thành công vì nhiều quốc gia không biết đến trái mít. Sau khi Vinamit ra thế giới thì rất nhiều quốc gia họ nhận trái mít là của xứ họ, chứ không phải của Việt Nam”, ông Viên kể.
Ông Viên nhớ lại, nhiều người xung quanh đã phản đối ý tưởng của ông. Thời đó, người ta cầu ăn để no, chưa nói đến ngon. Quốc hội họp cũng nói đến cây lúa vì lúc đó, an ninh lương thực chưa đảm bảo.
“Khi tôi nói làm với trái mít như vậy, mọi người nói là điều xa xỉ, không thể tin được. Mọi người lúc đó nói tôi khùng điên vì làm chuyện quá khó. Không ai tin tôi có thể thành công được”, CEO Vinamit cho chúng tôi hay.
Cũng chính vì những phản hồi đó mà Vinamit đã quyết định bán sản phẩm ở nước ngoài.
Ông Viên tự nhận bản thân may mắn. Ông từng là nghiên cứu sinh tại Đài Loan và khi mang sản phẩm tới Đài Loan, bạn bè và thầy cô đã cổ vũ ông rất nhiều và nói rằng ông đã làm được điều tuyệt vời. “Chính điều đó giúp tôi có nhiều cảm hứng hơn và tôi đã tập trung mọi nỗ lực để hoàn thiện về sản phẩm”, ông Viên chia sẻ.
Thế Trần
Theo Trí Thức Trẻ