Khi ngày càng nhiều cửa hàng trà sữa được mở ra, một bộ phận không nhỏ người dùng bắt đầu nghĩ đến kịch bản tương tự đã từng xảy ra với mì cay 7 cấp độ: nhanh chóng bão hòa và thua lỗ, đóng cửa hàng loạt khi thoái trào.
“Chưa bao giờ thị trường trà sữa Việt lại phát triển hơn thế”, chủ của một thương hiệu trà sữa đình đám tại Hà Nội nhận định.
Thật vậy, chỉ cần điểm sơ qua, người tiêu dùng có thể kể tên hàng loạt thương hiệu đang hiện diện như Ding Tea, Toco Toco, Chago, Koi, Gong Cha, Phúc Long, Tiên Hưởng,…Mỗi thương hiệu ra đời lại kèm theo những “cơn sốt” mới như trà sữa kem cheese, trà sữa thú bông, trà sữa phô mai váng sữa,…
Theo một khảo sát được thực hiện tháng 5/2017, trong khi tại thị trường Hà Nội, Ding Tea và Toto Toco là hai thương hiệu được khách hàng ghé thăm nhiều nhất thì ở thành phố Hồ Chí Minh, vị trí dẫn đầu thuộc về Hot & Cold , Hoa Hướng Dương và Phúc Long.
Điểm chung của các thương hiệu này là tăng cường phủ sóng thông qua hình thức mở chuỗi, cửa hàng nằm ở vị trí đẹp, giao thông thuận lơi, không gian bên trong thiết kế gần gũi với giới trẻ, sản phẩm được chú ý đầu tư không chỉ chất lượng mà còn ở hộp đựng, tem nhãn.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng còn phát triển hệ thống giao hàng riêng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng thích trà sữa nhưng ngại đi xa.
Trà sữa du nhập vào Việt Nam từ cuối năm 2002 nhưng phải gần 4 năm sau đó thức uống ngọt ngọt vị trái cây, ngầy ngậy vị sữa và có mùi thơm nhàn nhạt của trà mới xây dựng được chỗ đứng trong lòng giới trẻ.
Thời kỳ đó, trà sữa được tạo ra theo công thức khá đơn giản, chỉ gồm trà pha với sữa, thêm trân châu đen làm từ bột sắn, không có nhiều loại topping ăn kèm như hiện nay. Các quán trà sữa cũng chỉ là những cửa hàng nhỏ, quán nước ven đường hoặc các xe đẩy tập trung ở cổng trường học, không có thương hiệu rõ ràng nhưng vẫn thu thú rất đông học sinh, sinh viên.
Đến nửa cuối năm 2009, cơn sốt trà sữa trân châu bắt đầu hạ nhiệt bởi hàng loạt tin đồn trà sữa làm từ thành phần không rõ nguồn gốc, trân châu từ nhựa polymer. Dư luận hoang mang, fan “cuồng” quay lưng khiến nhiều cửa hàng phải thanh lý hoặc đóng cửa. Số còn lại chật vật để tiếp tục tồn tại và chứng minh mình “trong sạch”.
Mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ năm 2012, các thương hiệu trà sữa Đài Loan bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam, khẳng định nguyên liệu hoàn toàn “sạch”, phát triển mô hình theo dạng chuỗi với thiết kế không gian bài bản, chuyên nghiệp.
Trà sữa dần dần lấy lại hào quang ngày nào. Đến nay, tại thị trường Việt Nam, đã có hơn 100 thương hiệu trà sữa lớn nhỏ cùng tồn tại, với khoảng hơn 1.500 điểm bán.
Một cuộc khảo sát thực hiện bởi Lozi cho thấy 53% người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng lại có 8 cửa hàng được mở thêm.
Anh Hà Mạnh Tiến, người sáng lập, giám đốc điều hành chuỗi Aroi Dessert Café, cho biết mì cay 7 cấp độ lên nhanh, xuống nhau vì người dùng chọn sản phẩm chủ yếu để thỏa mãn sự tò mò. Ngược lại, trà sữa dễ uống, phù hợp với mọi độ tuổi, từ trẻ em, học sinh, đến giới văn phòng nên tần suất sử dụng cao hơn nhiều.
“Khi đến một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore,... tôi thấy trà sữa vẫn phát triển bình thường. Nếu các nước có trà sữa xuất hiện trước, họ vẫn đón nhận thì trà sữa rõ ràng không phải là một sản phẩm theo trào lưu”, anh Tiến chia sẻ.
Dù tăng trưởng khá “nóng” nhưng ngành trà sữa được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ (15-34 tuổi), đối tượng tiềm năng chiếm tới hơn 30% dân số Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý là thị trường F&B tại Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,7%/năm và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020, nên tiềm năng cho ngành kinh doanh trà sữa vẫn còn rất lớn.
“Từ giờ đến 2020 thị trường trà sữa vẫn còn phát triển, nhưng mình nghĩ bây giờ có 100 thương hiệu thì sau này sẽ còn lại một vài thương hiệu mạnh. Chỉ thương hiệu nào duy trì chất lượng, dịch vụ cũng như thân thiện với khách hàng thì mới có thể tồn tại”, CEO của Aroi kết luận.
Theo Hồng Lam
Tri thức trẻ