Socrates từng nói rằng: “Hãy biết mình”. Đây là một lời khuyên tốt để phát triển sự nghiệp của một nhà quản lý.
Chúng tôi có ý tưởng cho việc đánh giá hoạt động của bạn như sau: Hãy làm những gì mà các tổng giám đốc của 500 công ty do tạp chí Fortune xếp hạng thực hiện trong báo cáo thường niên cho Hội đồng quản trị. Đó là chuẩn bị một bản tự đánh giá có thế định hướng việc thảo luận. Những gì bạn thể hiện trong bản tự đánh giá sẽ là một công cụ có giá trị và điều quan trọng hơn nó sẽ là kim chỉ nam thường xuyên cho hoạt động của cá nhân bạn.
Theo một trong những cuộc nghiên cứu về công sở của chúng tôi, tự đánh giá là một trong 5 thế mạnh những nhà lãnh đạo có và các nhà quản lý thì không. Trên thực tế, nghiên cứu này cho thấy tự đánh giá đóng góp rất lớn vào tất cả các thế mạnh khác nữa.
Nhiều khi chúng ta làm việc một cách tự động, lặp lại mà không đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại hành động như vậy. Khi ấy, chúng ta cần ngồi lại và suy nghĩ về những thói quen hàng ngày. Việc đánh giá này không chỉ cho bạn thấy rõ những việc bạn đã làm được, mà còn giúp bạn hiểu được động cơ của những người khác tốt hơn.
Ngoài ra, nó cũng giúp bạn đưa ra các quyết định mang tính trực giác sáng suốt hơn, một khả năng được đánh giá cao trong điều kiện các thay đổi diễn ra nhanh hơn và bạn phải hành động khi không có đủ thông tin cần thiết.
Việc tự đánh giá, bước đầu tiên trong bất kỳ quá trình phát đánh giá bản thân nào, thường được coi là bước khó nhất. Bạn có thể thấy lúng túng khi yêu cầu phản hồi từ người khác hay bực bội trước những lời nhận xét thẳng thừng không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, không có gì phải bí mật khi được đánh giá bởi những thiếu sót của một nhà quản lý thường được phơi bày trước mắt mọi người, ngay cả khi nhà quản lý này khước từ nó.
Sau đây là một số hướng dẫn để đưa ra một bản tự đánh giá hiệu quả và nó sẽ chỉ ra lộ trình trên con đường phát triển sự nghiệp của bạn:
Tự đánh giá việc bạn làm: Chúng tôi nhận thấy rằng những nhà lãnh đạo thành công suy nghĩ rất nghiêm túc về những động cơ, niềm tin, giả định và hành động của họ.
Họ đánh giá những sự kiện và kết quả gây ra bởi những quyết định của họ, đặc biệt là cách thức những sự kiện này tác động tới bức tranh toàn cảnh. Họ tự đặt ra yêu cầu phải xem xét đầy đủ những ý kiến trái chiều. Họ chịu trách nhiệm trước những lỗi lầm do họ gây ra và coi những thất bại là một cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Ngay cả khi ở trên đỉnh cao sự nghiệp họ luôn mong muốn được học hỏi thêm.
Yêu cầu phản hồi từ những người khác: Bạn hãy đề nghị mọi người làm việc cùng bạn cho ý kiến về công việc của bạn. Bạn hãy cố kiềm chế để không phản đối lại những lời chỉ trích và cũng không nên quá lạc quan về những đánh giá bạn nhận được.
Hãy trung thực về những thiếu sót của bạn: Như một câu nói nổi tiếng của Oliver Cromwell với họa sĩ vẽ chân dung mình: “hãy đừng che dấu những khuyết điểm”. Cấp trên của bạn sẽ đánh giá thấp những gì không thật và bạn sẽ ghi điểm cho sự thẳng thắn của mình.
Một lời khuyên nhỏ: bạn không nên đổ lỗi những thiết sót cho các yếu tố ngoại cảnh hơn là lỗi lầm của chính mình. Nếu danh sách những điểm yếu của bạn quá ngắn, bạn có thể đã không xem xét vấn đề một cách sâu sắc, cả việc tự đánh giá lẫn cho người khác đánh giá mình.
Nhấn mạnh những đóng góp của bạn ở những điểm mấu chốt: Bạn có lãnh đạo các nhân viên của mình giải quyết một vấn đề khó khăn? Giải quyết các vấn đề đang bị trì hoãn? Củng cố các liên kết trong chuỗi giá trị? Tăng thị phần thông qua việc đào tạo lực lượng bán hàng, cung cấp các dịch vụ khách hàng tốt hơn, giúp sáng tạo ra các loại sản phẩm mới hay xâm nhập vào một thị trường mới?
Đưa ra các số liệu có thể để trả lời các câu hỏi trên. Những người phản hồi về công việc của bạn có thể biết những điều bạn không biết.
Mô tả những lĩnh vực qua đó bạn đã củng cố năng lực của mình: Thông qua đào tạo do công ty tài trợ hay bạn tự trả phí. Định vị bản thân bạn như một sản phẩm: thế mạnh của bạn về lãnh đạo, sáng tạo, giảm chi phí, công nghệ, hậu cần, phân tích, quản lý, chất lượng, giải quyết các vấn đề, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, đàm phán hay sự kết hợp của các yếu tố này?
Đừng là một người tranh công của người khác: Hãy thẳng thắn và đơn giản: tránh thể hiện bạn làm được nhiều hơn người khác trong thành công của đội. Bất kể đánh giá nào chỉ phục vụ cho bản thân sẽ làm tổn hại tới uy tín của bạn.
Ngoài những chỉ dẫn về tự đánh giá như trên, bạn cần tự đặt ra các câu hỏi như sau: Liệu những gì tôi đang làm có hiệu quả? Tôi có thể làm gì để có kết quả tốt hơn? Tôi có thực tế về những khả năng của mình? Liêụ tôi có những thói quen không hiệu quả nào không? Tôi có những vấn đề về cách cư xử của mình hay không như tức giận, không có tính kết nối với những người khác, sự lạc quan không đúng mức hay hào hứng không cần thiết? Liệu tôi có tận dụng được những điểm mạnh và sửa chữa những điểm yếu của mình? Liệu tôi có tập trung vào những ưu tiên của mình? Liệu tôi có đưa ra mô hình tự đánh giá mà tôi đã mong muốn ở những người khác không? Liệu tôi có đang nhận thức được sự cạnh tranh và khách hàng một cách có chủ đích nhưng lại không quan tâm tới những gì đang diễn ra trong nội bộ?
Việc tự đánh giá là một kỹ năng, chúng ta có thể học và rèn rũa nó thông qua việc không ngừng sử dụng nó. Socrates từng nói rằng: “Hãy biết mình”. Đây là một lời khuyên tốt để phát triển sự nghiệp của một nhà quản lý.
Thanh Nga (dịch từ Blog Harvard)