Để đạt được thành công như ngày hôm nay, tỷ phú Daymond John phải trải qua rất nhiều thất bại và theo ông, sự quyết tâm và bền bỉ là 2 yếu tố quan trọng giúp ông gây dựng nên thương hiệu quần áo nổi tiếng FUBU với giá trị lên đến 6 tỷ đô.
Không có con đường đi đến vinh quang nào mà không phải trải qua những cay đắng của thất bại. Thành công của Daymond John cũng vậy. Ông đã từng vấp phải nhiều thất bại khi mới khởi nghiệp, điển hình nhất có thể kể đến thời kỳ ông bị lỗ 16 ngàn đô khi tổ chức một bữa tiệc trên du thuyền hạng sang, mất gần 100 ngàn đô cho một nhà máy tạm thời khi mới thành lập FUBU, phải chi trả 800 đô cho một vụ tai nạn xe trong khi công việc kinh doanh của ông vẫn không có gì chắc chắn. Tuy nhiên, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã được đền đáp xứng đáng.
Dưới đây là bài học kinh doanh về 5 nguyên tắc vàng mà nhà đầu tư tài ba này chia sẻ với những ai đang nuôi giấc mơ trở thành tỷ phú.
Năm 16 tuổi, John đã tự nhủ rằng mình sẽ trở thành một triệu phú vào năm 30 tuổi. Nhưng mọi chuyện không xảy ra như những gì ông mong muốn bởi khi 22 tuổi, ông đã bị phá sản và phải vất vả mưu sinh bằng cách mua và bán ô tô. John chia sẻ, ông không biết phải làm thế nào để đạt được mục tiêu vì nó không hề đơn giản.
Khi nảy ra ý tưởng gây dựng thương hiệu FUBU - For Us, By Us - ông đã thay đổi mục tiêu lúc trước. Thay vì cam kết đạt được 1 triệu đô vào năm 30 tuổi, ông chuyển sang mục đích gây dựng một thương hiệu cho nền văn hóa hiphop. Việc thiết kế quần áo cho một cộng đồng khách hàng tiềm năng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đạt được một con số khổng lồ mà ông chưa đủ sức chạm đến.
Lúc này, mục tiêu của ông là làm tất cả những điều tốt nhất cho công ty, thiết kế trang phục cho mọi người và tô điểm cho cuộc sống của họ, bù lại, những cố gắng của ông được đền đáp bằng sự lớn mạnh mỗi ngày của thương hiệu FUBU.
Sau khi tham dự hội nghị dành cho nam giới ở Las Vegas, John có cơ hội giới thiệu nguyên mẫu đầu tiên của những chiếc áo phông với logo của FUBU, ông nhận được đơn đặt hàng trị giá 300.000 USD và để mở rộng sản xuất, ông đã thế chấp căn nhà của mẹ mình để thuê nhà máy. Tuy nhiên, do không tìm hiểu quy trình vận hành và sản xuất quần áo, ông gần như phá sản.
Bài học xương máu mà ông rút ra sau lần khủng hoảng này là phải nghiên cứu và lên kế hoạch trước khi bạn muốn khởi nghiệp, trong đó, quan trọng nhất là phải nắm rõ thị trường, thu hút vốn đầu tư, tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh. Nhờ chấn chỉnh kịp thời, ông đã vực dậy công ty thành công và đạt được nhiều thành tích đáng nể.
John cho rằng, việc kinh doanh không thể dựa trên lý thuyết, bởi bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức để thử cái lý thuyết mà bạn không biết đúng hay sai. Thay vào đó, hãy bắt đầu tìm hiểu thị trường, tâm lý khách hàng, tìm nhà đầu tư và sử dụng vốn một cách hiệu quả, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi lớn trong sự nghiệp làm giàu của mình.
Một bài học mà John khuyên mọi người nên làm theo đó là phải yêu quý và trân trọng những gì họ đang làm, bởi niềm đam mê sẽ thiêu cháy tất cả những thất bại.
Đối với John, công ty chính là tình yêu của ông, thứ giúp ông vững tâm trên con đường kinh doanh. John nói, hãy làm tất cả những gì bạn yêu thích và thành công sẽ đến, mặc dù bạn có thể không thu được lợi nhuận ngay lập tức, nhưng nếu kiên trì trong 10-20 năm, không gì có thể ngăn cản bạn đến với danh hiệu tỷ phú.
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thật dễ dàng để quảng bá thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, song song với nó, bạn cũng phải tạo dựng thương hiệu cho chính mình. Bên cạnh sử dụng phương tiện truyền thông để nâng cao doanh số bán hàng và phát triển sản phẩm mới, hãy thực hiện mọi dự án hết sức công khai và trung thực để làm gương cho nhân viên. Theo John, việc PR sản phẩm là rất quan trọng, nhưng bạn không nên cường điệu hóa nó, vì nhân viên có thể sẽ nhìn vào đó và nhận ra bạn đang nói dối.
Chìa khóa cuối cùng John sử dụng chính là sức mạnh của tư duy tích cực. Ngay cả khi FUBU đã trở thành một công ty lớn, ông vẫn duy trì "sự hoang tưởng lành mạnh" về việc điều hành một công ty thời trang. Ngành thời trang đang dần bị bão hòa và nhiều công ty làm ăn thua lỗ buộc phải đóng cửa, tuy nhiên, John vẫn kiên trì tìm các giải pháp thay vì bỏ cuộc như đã viết trong cuốn The Power of Broke: "Dù có chuyện gì xảy ra thì bạn vẫn phải giữ một tinh thần lạc quan, phải nhanh nhẹn và không ngừng tiến lên phía trước".
Theo Nguyễn Linh
Trí thức trẻ