Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng khi đối mặt với khó khăn mà vượt qua được sẽ giúp doanh nhân rèn luyện tinh thần và ý chí ngày càng vững vàng, mạnh mẽ hơn.
Đại dịch Covid - 19 đã gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho đời sống kinh tế - xã hôi khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia về đánh giá, nhận định những xu hướng kinh doanh, khởi nghiệp sau đại dịch Covid - 19.
- Thưa Tiến sĩ Đinh Việt Hòa, ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước?
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa: Trước tiên, chúng ta khẳng định doanh nghiệp đóng vai trò tạo nên "xương sống" của nền kinh tế quốc gia.
Bằng chứng cho thấy, riêng lực lượng doanh nhân tạo nên khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã đóng góp tới 69% việc làm cho toàn xã hội. Từ đó khẳng định, quốc gia nào càng có nhiều doanh nghiệp thì lượng cung ứng việc làm càng dồi dào và đời sống nhân dân quốc gia đó càng ổn định và có thu nhập cao, xã hội càng yên bình hơn.
Năm 2011, tôi đã làm nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới bằng các chỉ số: dân số, số lượng doanh nghiệp và thu nhập bình quân đầu người thì ở các nước phát triển cứ 45 đến 60 người có 1 doanh nghiệp. Đơn cử như Hoa Kỳ với 300 triệu dân thì có 6,7 triệu doanh nghiệp; nước Đức với 88 triệu dân thì có 2,8 triệu doanh nghiệp; Hàn Quốc với 40 triệu dân thì có 1 triệu doanh nghiệp, Singapore có 5 triệu dân thì có tới 167.000 doanh nghiệp và tất cả các quốc gia này đều có mức thu nhập rất cao.
Ngược lại, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines... thì tỷ lệ doanh nghiệp trên tổng số dân lại rất thấp. Ví dụ như Việt Nam với 98 triệu dân mới có 800 nghìn doanh nghiệp, tức là 140 người mới có 1 doanh nghiệp, Philippines với 105 triệu dân, chi có 1,2 triệu doanh nghiệp nên các quốc gia này chỉ có mức thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức thấp và trung bình.
Chính vì vậy, trong bài viết “Phát triển thêm nhiều doanh nghiệp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” xuất bản năng 2012, tôi đã kêu gọi đất nước ta cần phải có thêm 2 triệu doanh nghiệp nữa để phát triển.
Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, vai trò của doanh nhân rất lớn lao khi doanh nhân mang lại 2 giá trị rất quan trọng là: Tạo ra việc làm cho mình, cho người khác để tạo bình ổn xã hội; Tạo ra lợi nhuận kinh tế cho cá nhân, lợi nhuận cho tổ chức, lợi nhuận cho đối tác đồng nghiệp, cho cả xã hội.
- Vậy đâu là thuận lợi và thách thức của doanh nghiệp, doanh nhân khi khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa: Trước hết chúng ta phải khẳng định, ít có một dân tộc nào lại có tinh thần kinh doanh, thích kinh doanh như người Việt Nam của chúng ta và Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp kinh doanh.
Bởi lẽ, như chúng ta đã phân tích ở trên, theo các chỉ số về số lượng doanh nghiệp còn đang rất nhỏ so với một quốc gia có dân số đông như Việt Nam. Tức là những người khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp bây giờ sẽ tránh được cạnh tranh của hàng chục ngàn doanh nghiệp, thị trường lại rộng lớn.
Hơn nữa, sau 3 thập kỷ đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng mở ra cho nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thu nhập của nhân dân được cải thiện, nhu cầu đời sống của nhân dân càng ngày càng cao, đặc biệt sức mua ngày càng lớn.
Thứ ba, Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận vai trò của doanh nhân khi ghi nhận doanh nghiệp, doanh nhân giữ vai trò là một động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và đồng hành cùng nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ, lao động sáng tạo, phát triển sự nghiệp, đóng góp xây dựng đất nước.
Do đó, nhiều chính sách quan trọng đã được ra đời và đặc biệt mới đây chúng ta đã có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và rất nhiều chương trình cụ thể hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Từ các cơ hội như vậy cộng với môi trường xung quanh tác động rất lớn tới doanh nghiệp, doanh nhân và tinh thần khởi nghiệp.
Về thách thức: Có thể nhận thấy rằng khó khăn, thách thức với tất cả doanh nghiệp và doanh nhân khi khởi nghiệp là đương nhiên, đó cũng là bản chất của kinh doanh. Chúng ta phải hiểu rằng khó khăn, thách thức là bài học phát triển của doanh nhân thậm chí những thách thức đó lại là cơ hội hun đúc ý chí và tinh thần doanh nhân.
Trong 5 đặc tính cấu thành một doanh nhân: Tư duy đổi mới; Năng lực chớp cơ hội; Khả năng thu hút và quản lý nguồn lực; Dũng cảm đối mặt thách thức, chấp nhận rủi ro; và Tạo ra thành quả, thì chúng ta thấy dũng cảm đối mặt với thách thức là một đặc tính không thể tách rời của doanh nhân.
Thêm vào đó, nhìn từ thực tiễn, chưa có một doanh nhân thành lập và phát triển doanh nghiệp của mình mà không từng gặp khó khăn thậm chí có thể bị đóng cửa và phá sản một vài lần.
Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và một môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường phải đối mặt với thách thức để đáp ứng và thích nghi với những yêu cầu của thị trường chuyên nghiệp, toàn cầu hóa và nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải luôn đưa ra được những quyết định tức thì cũng như hướng đi chiến lược.
Chính vì thế có thể nói những thách thức lớn nhất không đến từ bên ngoài mà đến từ chính doanh nhân khi năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam còn yếu để đáp ứng tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay, trong khi lịch sử phát triển doanh nghiệp ở nước ta còn rất mới nên không có nhiều bài học kinh nghiệm và kiến thức điều hành.
Bên cạnh đó, các chính sách ở Việt Nam còn chưa đồng bộ để tạo các hành lang pháp lý về vấn đề hỗ trợ còn hạn chế thậm chí gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, thách thức hiện tại là đại dịch Covid - 19 làm cắt đứt toàn bộ chuỗi cung ứng và là thảm họa lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc giải thể công ty.
- Chúng ta thường lạc quan nhìn nhận rằng, trong thách thức thường có các cơ hội, ông có cho rằng, đây là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại chính mình và có những chuyển hướng tích cực, thưa ông?
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa: Đúng như vậy, chúng ta vẫn thường nói “nguy cơ,” tức là trong nguy hiểm luôn có cơ hội. Khi đối mặt với khó khăn, thách thức mà vượt qua được sẽ giúp doanh nhân rèn luyện tinh thần và ý chí ngày càng vững vàng, mạnh mẽ hơn.
Đại dịch Covid - 19 là một cú sốc lớn nhất với toàn xã hội, nó đã gây ra vô vàn khó khăn, hàng triệu người đã phải thiệt mạng trên toàn thế giới, và Việt Nam của chúng ta vẫn đang phải chống chọi khó khăn. Tuy nhiên, nó cũng giúp chúng ta ngồi lại để đánh giá việc phát triển kinh doanh, hoạch định lại chiến lược như thế nào cho phù hợp.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng nhân cơ hội này để xem xét lại toàn bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phù hợp chưa, chính sách nào cần điều chỉnh...
Về phía doanh nghiệp, đây chính là cơ hội dành thời gian đi học tập, và tái cấu trúc lại hệ thống. Trong đó, có 4 vấn đề lớn mà các doanh nhân cần thực hiện.
Trước hết, các doanh nhân, doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại tư duy, trong đó đặc biệt tập trung vào tầm nhìn chiến lược và xây dựng sản phẩm cốt lõi, thậm chí phải gọi là “sản phầm linh hồn” của công ty.
Covid – 19 tác động đã làm cho chúng ta nhìn lại cụ thể, trong số các doanh nghiệp phải đóng cửa thì đại đa số là các doanh nghiệp dịch vụ và càng nhìn rõ hơn năng lực sản xuất cũng như các chương trình R&D (nghiên cứu và phát triển) sản phẩm mới của Việt Nam chúng ta rất yếu. Chính vì thế lúc này là cơ hội để các doanh nghiệp dành thời gian xây dựng chuỗi sản phẩm.
Thứ hai: Chúng ta đang sống trong thời đại chuyển đổi số, nó có tác động rất mạnh cho phát triển doanh nghiệp bằng việc tăng năng suất lao động và cạnh tranh thị trường.
Điều đó càng khẳng định, để tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp đến từ xây dựng một hệ thống công cụ chuẩn. Đầu tư vào hệ thống công cụ chuẩn, công nghệ sản xuất để thực hiện tầm nhìn chiến lược.
Yếu tố thứ ba: Một trong yếu tố rất quan trọng trong doanh nghiệp đó là con người, con người hành động. Nếu ở vấn đề số 1 là phát triển con người về tầm nhìn chiến lược, thì vấn đề thứ 3 doanh nghiệp sắp xếp đội ngũ thực thi.
Một trong các lý do gây ra nhiều nhất các doanh nghiệp ngừng hoạt động đó là yếu tố con người. Thì thách thức này sẽ giúp cho doanh nghiệp cẩn trọng lựa chọn những con người phù hợp và kiên trì đồng hành xây dựng ước mơ.
Vấn đề cuối cùng: Các doanh nghiệp xây dựng một hệ thống quản trị và chăm sóc khách hàng. Bởi khách hàng mới chính là người nuôi sống và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng cũng như phân khúc khách hàng là một nhiệm vụ quan trọng. Một khi doanh nghiệp có những chính sách giữ chân những khách hàng thân thiết hiệu quả thì đó là con đường thành công.
- Ông nhận định như thế nào về xu hướng khởi nghiệp sau đại dịch Covid - 19?
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa: Như tôi đã nói, sau đại dịch sẽ có sự trỗi dậy mạnh mẽ của tinh thần kinh doanh. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh giống như biểu tượng cây tre, giống như cây măng khi bị tảng đá nặng đè vào nhưng không vì thế bị vùi lấp mà sẽ nâng tảng đá để tiếp tục chồi lên.
Sau đại dịch sẽ chào đón lực lượng doanh nghiệp mới gồm các nhóm lớn: Nhóm đầu tiên là lực lượng chưa thành lập doanh nghiệp sẽ bắt đầu thành lập doanh nghiệp; Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian vừa qua phải giải thể, đóng cửa,... thì đây là lúc tái khởi nghiệp, tái thành lập doanh nghiệp.
Nhóm thứ ba là sự chuyển hóa từ kinh doanh hộ gia đình, kinh doanh cá thể hay còn gọi là kinh doanh chưa chính thống như là tổng đại lý, phân phối cho doanh nghiệp khác... họ nhìn ra cơ hội và quyết định thành lập doanh nghiệp.
Thông qua việc này, phải khẳng định rằng để phát triển được thì cần xác định khởi nghiệp là quá trình không ngừng nghỉ, liên tục và mãi mãi là hành trình bản hùng ca mạnh mẽ của doanh nhân.
-Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!