Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia

Phụng sự Dân tộc - Hưng thịnh Quốc gia

“Start-Up” cần làm gì trước cuộc Cách mạng công nghệ 4.0?

Tập trung phát triển môi trường ngôn ngữ, môi trường công nghệ số là điều kiện tiên quyết để cộng đồng DN nhỏ và vừa cũng như các DN khởi nghiệp (start-up) có thể khai thác được cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang đến.

“Start-Up” cần làm gì trước cuộc Cách mạng công nghệ 4.0?

Ngày đăng: 20/06/2017
 
Lượt xem: 216
 
Tập trung phát triển môi trường ngôn ngữ, môi trường công nghệ số là điều kiện tiên quyết để cộng đồng DN nhỏ và vừa cũng như các DN khởi nghiệp (start-up) có thể khai thác được cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang đến.
 

“Start-Up” cần làm gì trước cuộc Cách mạng công nghệ 4.0?

Đây là chia sẻ của ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO.

Báo chí đang nói nhiều đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Ông đánh giá thế nào về tình hình các dự án khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện nay tận dụng cuộc cách mạng này?

Ông Đào Huy Giám: Để khai thác tốt cuộc cách mạng này, tôi cho rằng có những nhân tố chúng ta phải làm tốt hơn nữa. Đó là tạo ra môi trường thuận lợi, chào đón kích thích sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng hạn như môi trường số.

Tạm tính hiện nay chúng ta có 50% dân số dùng internet, nhưng băng thông rộng chúng ta thấp hơn. Một số hạn chế nhằm kiểm soát mạng hiệu quả về mặt an ninh thì chưa hiệu quả về kinh tế. Không được tự do hoạt động trên mạng thì làm sao có được những công ty như Facebook, Yahoo, Hotmail…, do vậy phải kết hợp các mục tiêu này.

Thêm nữa, băng thông không rộng rất mất thời gian. Chúng tôi, những người làm công tác chuyên môn liên quan đến tri thức, cho rằng tốc độ mạng chậm đã làm giảm rất nhiều năng suất lao động của mỗi cá nhân. Ngoài ra là ngoại ngữ. Chúng ta đã phổ cập tiếng Anh ở mức độ nhất định, tương đối nhanh, khoảng 30%. Nhưng những nước đứng đầu về khai thác kinh tế số, CNTT, cách mạng lần thứ tư đều có trên 90% dân số nói tiếng Anh, một nửa dân số nói 1-2 thứ tiếng khác nữa.

Tôi cho rằng tập trung phát triển môi trường ngôn ngữ, môi trường công nghệ số là điều kiện tiên quyết có thể khai thác được cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Cùng với hỗ trợ của Chính phủ, theo ông cộng đồng DN cần có hướng đi, giải pháp thế nào để tận dụng cơ hội từ những chính sách hiện có trong bối cảnh hội nhập sâu rộng?

Ông Đào Huy Giám: Các DN nhỏ và vừa cần nâng cao trách nhiệm trước văn bản luật điều chỉnh quyền lợi của mình, năng lực của mình nhìn nhận về văn bản đó và kiến nghị giải pháp, có sự hiểu biết về ban hành chính sách của Chính phủ để đề xuất giải pháp trong từng thời kỳ, từ đó tạo ra những cơ chế thích ứng với nguồn lực.

Ví dụ như đề xuất giảm 50% thuế cho DN mới thành lập. DN nhỏ trong 3 năm đầu thì có thể ảnh hưởng tới 1-3% nguồn thu của Nhà nước trong hoàn cảnh ngân sách những năm vừa qua tương đối khó khăn. Nhưng trong 3-5 năm tới, nguồn lực của Nhà nước thuận lợi hơn, cơ chế quản lý DN nhỏ và vừa có kinh nghiệm hơn, đội ngũ quản lý của Nhà nước tốt hơn, các cơ quan liên quan như ngân hàng, tài chính, hải quan thuận lợi hơn.

Hiện nay, chúng ta tiến hành xúc tiến thương mại tương đối rời rạc nhưng vẫn có kết quả tốt và được DN hoan nghênh. Nhưng thay vì trọn gói hỗ trợ 50% chi phí hoạt động tìm kiếm đối tác của anh, anh có thể tìm cách khác như tôi hỗ trợ 100% chi phí tổ chức thông tin hay 100% chi phí trong hợp đồng đầu tiên anh ký được như các nước vẫn áp dụng… Hay thay vì biện pháp thế chấp thì tín chấp tập thể, của cộng đồng DN, nhiều nhà đầu tư, tín chấp dự án… Vốn của chúng ta đang vay ở mức từ 7-12%. Ở các nước có thể vay từ 3-6% vì lãi suất thấp.

Các DN có thể tìm đến các đầu mối đáng tin cậy có thể lắng nghe tiếng nói, phân tích chuyên môn, phản hồi chính sách, báo cáo kết quả đối thoại chính sách với Chính phủ để khu vực DN nhỏ và vừa phát triển thuận lợi hơn.

VPSF có vai trò và sứ mệnh gì trong việc thúc đẩy tinh thần và hiệu quả của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam?

Ông Đào Huy Giám: VPSF chọn khởi nghiệp sáng tạo là một trong những chủ đề ưu tiên trong thời gian tới. Bằng chứng là năm 2016, khi tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân với 10 chủ đề thì khởi nghiệp sáng tạo là một trong những chủ đề thu hút hàng nghìn anh em, chủ yếu là giới trẻ tham gia các hoạt động ban đầu của một trong 10 nhóm công tác.

Chúng tôi nhìn nhận, muốn kinh tế đất nước phát triển, hoạt động sáng tạo phải được chú trọng hàng đầu, và nó không phải chỉ nằm riêng trong nhóm công tác của khởi nghiệp sáng tạo mà có thể liên kết với khu vực khác của nhóm kinh tế số, nhóm giáo dục và đào tạo nghề, nông nghiệp công nghệ cao…

Nhìn theo phạm vi rộng hơn thì sự sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có môi trường, có tâm lý xã hội cho sự sáng tạo, biểu hiện bằng những cái đơn giản như: Quyền tự do biểu hiện, ý tưởng của mình trong hoạt động kinh tế, xã hội, kinh doanh.

Nói theo ngôn ngữ của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam là quyền được thất bại và tiếp tục khởi nghiệp. Đó là bằng chứng rất rõ vì thất bại gắn liền với khởi nghiệp, và khởi nghiệp sáng tạo công nghệ hứa hẹn đem lại kết quả rất cao, thì thất bại trong thời kỳ đầu rất lớn, lớn hơn nhiều so với lĩnh vực khác.

Sứ mạng của VPFS là tạo ra môi trường, xây dựng khung khổ chính sách, tập hợp ý kiến nguyện vọng, cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo để trình Chính phủ tham luận, trao đổi với các cơ quan ban hành chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cần thiết cho quá trình khởi nghiệp sáng tạo và đóng góp vào quá trình tạo ra mạng lưới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối với nhà đầu tư, thị trường, trao đổi thông tin…

Vừa rồi ông có nói VPSF sẽ hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN tư nhân về chính sách. Vậy còn trong tìm kiếm nhà đầu tư, quỹ đầu tư, VPSF sẽ hỗ trợ thế nào?

Ông Đào Huy Giám: VPSF là đầu mối tổng hợp lực lượng 10.000 thành viên và nhiều hiệp hội cùng liên kết để tạo thành sức mạnh trí tuệ tổng hợp, trước hết là trong đối thoại chính sách với Chính phủ. Thông qua đối thoại, khuyến nghị chính sách, giải pháp mới, VPSF có thể đang góp phần khung khổ pháp lý, hành lang pháp lý cho hoạt động của các DN, trong đó nội dung trọng tâm là khởi nghiệp sáng tạo.

Chúng tôi mong muốn trong chương trình có ý kiến gắn với khởi nghiệp sáng tạo, khai thác được những yếu tố quốc tế, những bài học thực hành tốt trong nước và quốc tế, tập hợp nguồn lực như Quỹ đầu tư thiên thần hay nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) là những cá nhân bỏ vốn để đầu tư vào start-up, thường với những điều kiện khá có lợi cho start-up, để đổi lấy một phần cổ phần trong công ty… Chúng tôi sẽ cùng những đối tác tư vấn, xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phan Trang (thực hiện)

chinhphu.vn

 

Bài viết liên quan
Ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19, chuẩn bị tổ chức Đại hội Công nghiệp du lịch Quốc gia

Ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19, chuẩn bị tổ chức Đại hội Công nghiệp du lịch Quốc gia

Tràn đầy năng lượng với buổi họp giao ban đầu tiên của tháng 7

Tràn đầy năng lượng với buổi họp giao ban đầu tiên của tháng 7

Đổi Mới Không Ngừng - Một trong 5 Giá trị Cốt lõi của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam

Đổi Mới Không Ngừng - Một trong 5 Giá trị Cốt lõi của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam

GS.TS Nguyễn Trí Hiếu và TS. Đinh Việt Hòa: Hội tụ của hai tâm hồn sáng tạo và tri thức

GS.TS Nguyễn Trí Hiếu và TS. Đinh Việt Hòa: Hội tụ của hai tâm hồn sáng tạo và tri thức

Đăng ký nhận tư vấn