Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia

Phụng sự Dân tộc - Hưng thịnh Quốc gia

CAFE THỨ 5 : KINH DOANH MÀ CHỈ DÙNG VỐN TỰ CÓ LÀ “NGU”?

GIỚI THIỆU

KINH DOANH MÀ CHỈ DÙNG VỐN TỰ CÓ LÀ “NGU”?

 
 
Không hề khoa trương khi nói rằng không ở đâu mà bạn có thể dễ dàng gặp được những con người “tinh hoa hội tụ” như ở Hiệp hội khởi nghiệp Việt Nam – Vinen. Nếu vẫn nghi ngờ về điều này, hãy thử ghé thăm Vinen vào tối thứ 5 để chính bạn thực sự tự cảm nhận bằng trái tim mình chứ không phải theo những gì tôi nói.
 

Tối qua (22/9), chúng tôi may mắn có cơ hội gặp gỡ vị khách mời đặc biệt của tuần này là cựu Giám đốc tài chính khách sạn Hilton Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây, Viện trưởng Viện quản trị tài chính AFC, PGS.TS Đặng Đức Sơn… Tuy nhiên, anh nở nụ cười hiền cho biết anh chỉ muốn chia sẻ với mọi người với vai trò là người cũng từng tự khởi nghiệp với công ty riêng chứ không phải là người thầy hay PGS.TS. Và cứ thế, với dáng điệu nhanh nhẹn cùng giọng điệu dí dỏm của từng câu chuyện anh dẫn dắt, chia sẻ cuốn hút đến kỳ lạ.
Vẫn là phần trao đổi name card như thường lệ nhưng lần này anh Đặng Đức Sơn khiến cho hành động này thêm phần ý nghĩa khi cho biết đây còn là cơ hội hợp tác vì biết đâu chúng ta sẽ gặp nhà đầu tư hay đối tác để giúp bán chéo sản phẩm - là cơ hội giúp chúng ta thoát khỏi 44% doanh nghiệp phải đóng cửa vì kinh doanh khó khăn.

BAN BIÊN TẬP VINEN
Theo anh, một khi bạn không khát khao kiếm tiền từ trong huyết quản thì không nên kinh doanh. Tuy nhiên, tiền cũng chỉ là công cụ và với 1 người kinh doanh giỏi thì tiền không phải là mục tiêu. Nhưng say mê kinh doanh với hoài bão của mình vẫn chưa đủ. Bạn vẫn phải biết nhìn vào thực tế. Năm nay có tới 50.000 doanh nghiệp đóng cửa và cũng chừng đó được sinh ra. Tuy nhiên, đừng vội lo sợ vì chúng ta cần học được những bài học từ những doanh nghiệp thất bại này. Điều này xuất phát từ thực tế trên 90% người Việt Nam ít hiểu biết về tài chính, và thậm chí chỉ có 20% người trong hội trường lúc này đọc được báo cáo tài chính.


Thời điểm năm 2011, anh Sơn thành lập công ty AFC thì cũng có 14 người bạn mở công ty tương tự nhưng tới giờ chỉ còn mỗi công ty anh tồn tại. Vậy lí do công ty anh đứng vững là gì? Anh tiết lộ, muốn đứng vững vẫn phải mạnh về tài chính. Vì thế, mỗi doanh nghiệp cân nhắc về 3 vấn đề tài chính trước khi bước vào con đường gian nan nhưng cũng rất sung sướng này: 
+ Các kênh vốn cho doanh nghiệp
+ Lựa chọn nguồn vốn tốt cho doanh nghiệp
+ Lập kế hoạch tài chính


Tuy nhiên, trong số ít doanh nghiệp sống sót sau thời gian start up nhưng chỉ có 6% doanh nghiệp lớn và 94% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy làm thế nào chúng ta trở thành doanh nghiệp lớn? (Doanh nghiệp có doanh thu trên 10 tỷ). Câu trả lời là phải biết nhận vốn đầu tư. Vì người chỉ dùng vốn tự có được xem là NGU. Chia sẻ của anh khiến nhiều người trong chúng tôi chột dạ và nhìn lại kế hoạch kinh doanh của mình 1 cách nghiêm túc hơn để tự đặt ra mục tiêu mới cho việc start up trong tương lai.

Anh Sơn khiến không khí rộn ràng hơn hài hước so sánh việc có thêm vốn đầu tư tức là chúng ta “cưới nhau” để có thêm bố mẹ để dạy dỗ con cái. Biết được điều này để chúng ta cùng sẵn sàng cho việc nhận đầu tư bằng cách chuẩn bị cho mình 1 bản BÁO CÁO TÀI CHÍNH khỏe. Kinh doanh thì phải có lãi mà lãi phải cao hơn ngân hàng người khác mới muốn đầu tư vào công ty bạn. Vì thế, bạn hãy thôi mơ hồ và bắt đầu tự học cách lập các kế hoạch cho công ty mình. Ban đầu bạn có thể dùng vốn tự có nhưng trong giai đoạn ổn định, vận hành thì nên chuyển dịch dần ít nhất 30% vốn chi. Những bản kế hoạch bạn cần có đó là:

+ Kế hoạch bán hàng
+ Kế hoạch chi phí
+ Kế hoạch vốn lưu động
+ Kế hoạch dòng tiền


Để có thêm nguồn lực, tăng sức mạnh cho công ty sau thời gian khởi động, chúng ta có thể có thêm 2 nguồn vốn đó là tư vay ngân hàng hoặc từ nhà đầu tư. Với nhà đầu tư hiểu biết thì họ thường nhận 49% cổ phần và không có ý định giữ “quyền sinh quyền sát” trong công ty. Còn đối việc vay ngân hàng, hãy cẩn thận. Khi vay ngân hàng cố gắng đàm phán để cố định lãi suất ngay từ đầu phòng khi đang hoạt động ổn định bạn vẫn có thể tuyên bố phá sản vì loay hoay xoay sở với số lãi vay ngân hàng bỗng dưng nở phình vì sự thiếu hiểu biết của chính mình. Đừng vì quá háo hức được giải ngân nên nhắm mắt ký.


Ngoài ra, việc bị phạt vì trả khi nợ trước hạn cũng là vấn đề đáng lo ngại, để lường trước việc này thì anh Sơn khuyên bạn cũng nên đàm phán để không bị phạt vì trả sớm. Hơn nữa, cũng phải biết chọn thời điểm vay khi mà dòng tiền về chậm thì phải dãn thời gian vay và trả tiền cho ngân hàng. Vậy bạn nên vay bao nhiêu: Số vay ngắn hạn nhỏ hơn giá trị 1 vòng quay tài sản lưu động.


TIỀN MẶT LÀ VUA. Vì thế, ngay từ lúc lập doanh nghiệp đã phải lập kế hoạch và kiểm soát, kiểm tra thường xuyên. Hết tiền không phải là lỗ mà là mất khả năng thanh toán vì lãi nằm trong hàng hóa, đối tác trả chậm. Việc bạn có lãi khác việc bạn có tiền.


Buổi chia sẻ diễn ra trong thời gian khá ngắn và kết thúc trong sự tiệc nuối của những nhà khởi nghiệp đầy đam mê. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng tôi hình dung phải ngay lập tức cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng cho con đường chông gai sắp tới. Ai về cũng hồ hởi, mắt như sáng lên vì đã nhìn thấy rõ hơn công việc chính cần tập trung nếu muốn sống sót trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh.

Thời gian: 2021/04/30 14:16

Hình thức: Offline

Địa điểm: Trụ sở VINEN, tầng 2, tháp 3, Dolphin Plaza, số 06 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đăng ký nhận tư vấn